Vãn cảnh chùa Linh Phong

Linh Phong Tự, nhân dân địa phương thường gọi là chùa Ông Núi. Chùa nằm ở lưng chừng núi Phương Phi, thuộc dãy núi Bà, huyện Phù Cát, Bình Định.

< Cổng tam quan chùa Linh Phong, Bình Định.

Tương truyền, năm Nhâm Ngọ đời Hiếu Minh hoàng đế thứ 11, một ông sư người Trung Hoa, có pháp hiệu Thiện Trí Thiền Sư đến đây dựng am nhỏ gọi là Dũng Tuyền Tự (chùa suối).
Ông ở ẩn trong núi, ngày đêm tụng kinh niệm Phật nên dân làng gọi sư là Ông Núi.

< Đường lên chùa.

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chúa xuống chiếu cho làm lại chùa, đặt tên là Linh Phong Thiền Tự, ban pháp danh cho nhà sư khai sáng chùa là Tịnh Giáo Thiện Từ Đại lão Thiền sư. Nhà sư viên tịch vào thời Tây Sơn và được các đồ chúng lập tháp thờ ở bên phải chùa vào năm Thái Đức (niên hiệu của Nguyễn Nhạc) thứ 8 (1785).

Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), nghe lời Thánh mẫu là Hoàng hậu Hiếu Khương, nhà vua ban lệnh không cho ai được xâm phạm hay lấy các vật dụng ở chùa trong khi chờ đợi trùng tu. Tuy nhiên, mãi đến đời Minh Mạng, chùa Linh Phong mới được sửa sang lớn.

Đến năm 1884-1885, dưới triều Kiến Phúc và Hàm Nghi, đại thần Đào Tấn "bỏ quan về Nam, ẩn giấu tích ở chùa Linh Phong để lánh loạn". Năm 1895, Đào Tấn được bổ làm Thượng thư bộ Công ”. vì muốn sửa sang ngôi cổ tự, nên ông đem việc ấy tâu lên Tây cung (chỉ mẹ vua Thành Thái). Nghe lời mẹ, vua Thành Thái bèn giao cho tỉnh thần 70 lạng bạc lo việc trùng tu chùa, đồng thời sai hiểu dụ dân trong tỉnh quyên góp thêm, đến tháng 8 (âm lịch) năm Đinh Dậu (1897) thì hoàn tất, và quang cảnh chùa lúc bấy giờ rất đẹp.

< Chính điện chùa Ông Núi.

Trải qua thời gian dài sau đó rồi chiến tranh, ngôi cổ tự trên chỉ còn lại cổng tam quan ở mặt đông và một bửu tháp. Năm 2004, một ngôi chùa mới đã dựng trên vị trí của chùa Linh Phong ngày xưa.

Cảnh trí thanh tao, không gian tĩnh mịch của chùa linh Phong đã in dấu ấn của biết bao tài tử văn nhân. Trên vách tường chùa hiện còn lưu lại những bài thơ tức cảnh, gửi gắm tâm sự của nhiều thi nhân, trong đó có Đào Tấn. Năm 1885 với biết bao giằng xé trong tâm can, cụ cũng đã đến nơi đây tĩnh trí, tìm lại sự thanh thản của tâm hồn, sống ẩn dật nơi cử thiền gần một năm trời.

Khói hoa một mớ trời dành sẵn,
Ao biển mười năm mộng trở về.

< Lên thăm hang tổ.

Ở sườn núi phía Đông có một hang đá rộng ăn sâu vào rong núi. Dân địa phương truyền rằng trong hang có những phiến đá xếp tự nhiên thành các vật dụng giống như bàn, ghế và các đồ dùng khác. Đây là nơi Ông Núi đã từng sống và tu luyện. Người ta còn kể rằng khi còn sinh thời nhà sư có nuôi hai con cọp mun, tuy hình hài hung dữ nhưng tính tình rất hiền lành, chúng không ăn thịt mà chỉ ăn trái cây. Hang đá giờ đây đã bị những bụi cây gai um tùm lấp mật cửa, không ai dám vào. Chùa Linh phong vốn đã nổi tiếng là linh thiêng, với hang đá bí ẩn này và những truyền tích ly kỳ lại càng thêm huyền bí.

< Hang tổ với tượng nhà sư Ông Núi.

Từ xưa đến nay, người đến vãng cảnh chùa không phải ít nhưng họ đến với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng có lẽ đến với chùa Linh Phong ai cũng sẽ cảm thấy như lòng thanh thản hơn. Thật đúng như một thi sĩ đã gởi gắm nỗi niềm vào hai câu thơ kết cho một bài thơ đề trên vách chùa:
“Những người phiền não, trường danh lợi
đến đó thời lòng cũng giải khuây”

Chùa tọa lạc chốn sơn lâm nhưng đường đi tới lại không khó. Du khách đi đường bộ có thể theo quốc lộ 1A đến ngã ba cầu An Hành thuộc địa phận xã Cát Tân (Phù Cát), rồi rẽ vào tỉnh lộ 635 nhằm thẳng hướng đông đến địa phận thôn Phương Phi, gặp bất cứ ai cũng sẽ được chỉ đường lên chùa.

Trước khi tới chùa, cũng trên trục lộ này tại thôn Trường Thạnh có một di tích tây sơn quan trọng mà khách tham quan không nên bỏ qua. Đó là Tân phủ Càn Dương. Còn đi theo đường thủy thì du khách có thể cập bờ ờ Cách Thử rồi leo bộ lên chùa. Cách Thử xưa vốn là hải tấn, một trung tâm thương mại, tàu bè qua lại buôn bán tấp nập Chùa Linh Phong là một di tích, một danh lam hấp dẫn mọi khách thập phương.

Du lịch, GO! tổng hợp

Đăng nhận xét