Hòn Ngọc Mỹ Giang (P1)

Ai về Hòn ngọc Mỹ Giang,
Cho tôi nhắn gửi  trăm ngàn nhớ thương.

Hòn Giăng tức Hòn Ngọc Mỹ Giang, hay còn gọi là Giang Đảo (hòn đảo của làng Mỹ Giang), một cái tên nghe chừng rất mới, rất lạ cho những ai chưa biết về hòn đảo lẻ nằm trong vịnh Vân Phong, cách thành phố Nha Trang theo đường biển về hướng bắc chừng 20 cây số. Cùng là một trong những hải đảo nằm dọc theo bờ biển Khánh Hoà nhưng Hòn Giăng ít được biết đến như hòn Tằm, hòn Tre, hòn Yến vì những hòn đảo này có vị thế là nằm trước mặt thành phố du lịch biển Nha Trang. Người dân địa phương và khách du lịch biết đến hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Tre vì phong cảnh những nơi này hoang dã, tĩnh lặng, ngời lên nét đẹp vùng biển nhiệt đới với những bãi tắm cát mịn cùng biển xanh trong vắt và những rặng san hô luôn có từng đàn cá muôn màu, muôn sắc bơi lượn.

Hòn Ngọc Mỹ Giang cùng là hải đảo, nên cũng hội đủ những đường nét thiên nhiên và không gian tuyệt diệu trời ban, không thua kém cái đẹp của các đảo bạn, gia dĩ có phần trội hơn nhờ vào địa thế đắc lợi là nằm sát đất liền, cách bờ không quá 500 mét, và nằm trong vịnh Vân Phong, quanh năm sóng nước êm đềm, hiền hoà nhất trong những đầm vịnh của vùng biển Khánh Hòa.

Từ hai trăm năm về trước, Hòn Giăng đã là một hải đảo có người cư ngụ. Những người sinh sống đầu tiên trên đảo chẳng phải là dân địa phương hoặc những vùng lân cận như Thủy Đầm, Ngân Hà, Bá Hà thuộc khu vực Hòn Khói đến đảo lập làng. Họ là những chiến sĩ dưới trướng anh hùng vĩ đại Quang Trung, từ Bình Địng lưu vong vào Khánh Hòa trong thời kỳ cuối của cuộc chiến với quân nhà Nguyễn Ánh. Họ chọn đảo Giăng để an cư, lạc nghiệp vì điều kiện an ninh cho chính họ vào thời đó và cũng vì nét đẹp cùng sự trù phú của vùng biển Vân Phong này. Họ là Tổ Tiên của  con dân làng đảo Mỹ Giang và từ đó cho đến nay, trải qua bao thế hệ, trải qua bao nghịch cảnh chiến tranh, thiên tai, bao lần sơ tán, chạy loạn vào Nha Trang hoặc ngược lên Hòn Khói, nhưng người dân đảo Giăng vẫn không bỏ làng, đời này tiếp đời nọ kiên trì giữ gìn hòn đảo tổ tiên như gìn giữ núm ruột của mình.

Hòn Ngọc Mỹ Giang buổi rạng đông.
Sau 30 tháng 4, 1975, dân Mỹ Giang đang cư ngụ tại làng Cù Lao, Xóm Bóng, lần lượt hồi cư, trở về đảo sinh sống, dù rằng trong số này, nhiều người đã có đời sống sinh hoạt rất ổn định trong quá trình cư trú tại Nha Trang. Họ về lại quê xưa vì con người của họ đã thuộc về đảo. Trong tâm hồn và huyết mạch của họ, đảo Giăng là miền đất Hứa, là linh hồn, báu vật thiêng liêng cần phải đời đời lưu giữ. Vào năm 1979, sau 4 năm kể từ ngày hồi cư, người dân trên đảo một lần nữa phải di dời vào vùng đất liền bên cạnh lập lên làng mới vì những quyết định của Chính quyền. Kể từ đó, hòn đảo trân quý của dân làng Mỹ Giang, nơi mang âm hưởng thiêng liêng của tổ tiên, giòng tộc, nơi phát nguồn của mọi thân yêu đùm bọc, nơi gắn bó với bao hình ảnh kỷ niệm, trở nên hoang vắng, trơ trọi.

Những năm sau này, người dân làng Mỹ Giang thường nghe được nhiều nguồn tin cho rằng hòn đảo Giăng của họ sẽ trở thành một vùng du lịch biển đảo sinh thái tầm vóc quy mô, có sự đầu tư từ nước ngoài, hoặc sẽ trở thành kho chứa dầu lên đến cả triệu mét khối vì nhu cầu phát triển vùng vịnh Vân Phong trở thành hải cảng trung chuyển lớn nhất nhì Đông nam á. Nhưng dù dự án nào được thực hiện, hoặc một sự thay đổi nào xảy ra trên đảo, đối với người dân Mỹ Giang, đều nối dài thêm thương tiếc, lớn dần thêm sự mất mát.

Núi Cấm
Hòn Ngọc Mỹ Giang là một hải đảo duy nhất trong các hòn đảo của vùng biển Khánh Hòa nằm gần đất liền nhất: cách đất liền không quá 500 mét. Đảo Giăng có diện tích ước chừng hai trăm mẫu, nằm về phía nam vịnh Vân Phong, trong đầm Thuỷ Đầm, thuộc huyện Ninh Hòa, xã Ninh Phước. Đảo có hình thể như quả xoài và khá bằng phẳng. Toàn đảo chỉ có bốn ngọn núi thấp là núi Cấm, núi Bà Hiền, Núi Nam cùng núi Nhọn. Ngoài ra dân làng Mỹ Giang vẫn thường gọi một đồi cát nằm cạnh núi Nam gần khuôn viên đất chú Bốn Hồng là núi Trọc.

Tuy nhiên đó chỉ là một đồi cát nhỏ, độ cao chỉ được vài mét, nhưng được nâng cấp thành núi lý lẽ do bởi người xưa có ý định cân bằng số lượng núi ngang với số lượng bờ biển trên đảo chăng?
Đảo có năm bờ biển, trong đó ba bãi cát dài trên cây số là Bãi Trước, Bãi Mũng Mương cùng Bãi Sau. Hai bờ biển có khá nhiều mõm đá gồ ghề nhô ra là bờ biển Mồng Gà và Bực lở. Vùng đất ngay giữa đảo là một cánh đồng cỏ rộng chừng vài chục hecta, một đặc điểm của tầng địa chất nơi đây mà ít khi ta gặp trên những hải đảo bé nhỏ khác. Ngoài ra, khu vực gần đất liền nhất là một đồi cát thoai thoải, khá rộng và rất đẹp, mà dân làng gọi là Nọc Giả. Nơi đây là cửa ngõ của đảo để vào đất liền bằng đường bộ.

Núi Bà Hiền.
Bây giờ chúng ta cùng nhau thăm lại Hòn Giăng, hải đảo truyền đời của ngư dân làng chài bé nhỏ Mỹ Giang.

Bên này bờ đất liền nhìn qua Hòn Ngọc Mỹ Giang, hình ảnh trước tiên mà chúng ta ghi nhận là một hòn đảo nhỏ nhưng khá bằng phẳng có những ngọn núi thấp vây bọc bốn bên. Khoảng cách giữa những ngọn núi là những bờ biển với bãi cát trắng mịn chạy dài. Ngọn núi nhỏ nhất, cao chỉ hơn mười mét, chu vi không hơn cây số, nằm ngay đầu làng mang tên Núi Cấm. Núi này đầu trên giáp cồn Nọc Giã, đầu dưới tiếp giáp khu vực dân cư (phần đầu làng). Mặt trước của nó nhìn về hướng nam là Bãi Trước, mặt sau giáp vùng đất canh tác của làng. Được mang tên núi Cấm vì từ thuở lập làng, đã có ước lệ là nghiêm cấm mọi người dân trên đảo khai phá, canh tác hoa màu trên ngọn núi này. Vì sao có điều lệ này không ai nắm rõ, chẳng phải bởi yếu tố bảo vệ môi trường hoặc giữ gìn đồi xanh, rừng quý như ý thức của thời nay, mà có lẽ nghiêng về tín ngưỡng, tục lệ làng xóm của những năm xa xưa về trước.


Tuy nhỏ nhưng núi Cấm lại thường xuất hiện nhiều thú hoang như chồn, áo già (sơn dương), nai hoặc các loài bò sát như trăn, rắn. Những năm đầu hồi cư (sau 1975), dân làng Mỹ Giang thường bắt gặp có khi chú nai tơ hoặc con áo già thơ thẩn dạo chơi dưới chân núi Cấm. Người phát giác lật đật hô hoán lên và thanh niên trong làng kẻ cầm rựa, người cầm lao và cầm theo vũ khí gì có được, ồn ào đua nhau săn lùng. Với cách thức săn bắt như thế, khác chi là rượt đuổi thú trở về rừng, nên ít khi dân làng ta có được một bữa thịt nai thịnh soạn.

Nằm cuối làng là dãy núi Bà Hiền. Núi này tuy không cao, nhưng khá lớn và dài. Hình thể chập chùng, hùng vĩ và là ngọn núi lớn nhất của đảo. Đầu trên dãy núi, về hướng tây tiếp giáp khu vực dân cư (cuối làng). Đầu dưới về hướng đông chạy dài đụng tới mặt biển của vùng bãi Mũng Mương. Mặt trước, theo hướng nam, núi này nhô mình ra tới bờ biển và tạo thành một bức tường che chắn sóng giữ vào những mùa biển động.
Cũng như núi Cấm, mặt sau núi Bà Hiền tiếp giáp với vùng đất thổ canh tác hoa màu và cánh đồng cỏ của làng.

Núi Nhọn.
Núi Bà Hiền cây rừng to lớn, rậm rạp, nhiều loài thú ẩn náu và nhiều nhất là loài sơn dương, mà dân làng ta thường gọi là áo già. Cứ vào những buổi hừng đông hoặc hoàng hôn, các loài thú này từng đàn từ các ngọn núi tập trung về cánh đồng của đảo gậm cỏ và tìm nguồn nước. Đảo Giăng tập trung nhiều thú rừng như nai, sơn dương là do trên đảo có hai cánh đồng cỏ rộng mênh mông và nhiều vũng nước nhỏ trong những cánh đồng cỏ hoang này. Ngoài ra, dân làng ta là những ngư dân chuyên đánh bắt cá dưới biển, đối với họ, việc săn bắt thú rừng không mấy thích thú, nên dù là hòn đảo cô lập và có khá đông người cư trú, nhưng các loài thú hoang vẫn sống bình thản, an toàn như là đang sống trên một hòn đảo hoang vu vậy.

Bên kia bờ của cánh đồng cỏ có ngọn núi Nam sừng sững, uy nghi tọa lạc. Cao không kém ngọn núi Bà hiền, nhưng có phần nhỏ hơn. Mặt trước núi Nam tiếp giáp cánh đồng cỏ của đảo. Mặt sau, về hướng bắc, giáp Bãi Sau, bãi cát và bờ biển xinh đẹp nhất của đảo. Về hướng tây, núi nhoài mình ra đến mặt biển và mang theo nhiều tảng đá lớn dựng lên thành một bức tường thiên nhiên hiểm trở và tạo thành những địa danh lý thú như hòn Sấu, bực Lỡ. Mặt đông, tiếp giáp vùng đất canh tác hoa màu và núi Trọc như đã đề cập lướt qua. Đặc điểm của ngọn núi Nam là tầng địa chất quanh chân núi rất thay đổi. Nơi tiếp giáp với biển là tầng đá hoa cương cứng, màu thẫm đen cộng với nhiều loại đá cuội rất lớn tạo thành một vùng lỗm chỗm, ngổn ngang đá lớn, đá nhỏ, ngược lại, nơi tiếp giáp vùng đồng bằng, đất liền là những đồi cát pha đất mịn vàng lẵng, vì thế đã có hòn núi trọc mọc lên nằm sát chân ngọn núi Nam này.

Ngày nay, hòn Mỹ Giang đã trở thành kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.
Vùng đất núi Trọc ngay chân núi Nam là nơi tập trung loài kỳ nhông nhiều bậc nhất trên đảo. Chúng đào những lỗ hang nhỏ như ngón chân cái và sâu chừng năm tất làm nơi trú ngụ đều khắp trên vùng cát pha đất bột nhuyễn này. Để bắt được những chú kỳ nhông nho nhỏ này chẳng khó khăn mấy, chỉ cần một sợi dây thòng lọng cho vào lỗ hang là có thể tóm gọn con vật đang nằm dưới hang dễ như chơi. Dân làng ta thời đó chẳng quan tâm đến thịt kỳ nhông dù rằng thịt loài thú bò sát này ăn ngon và bổ hơn thịt gà. Duy chỉ có mấy ông con nít nghịch ngợm lâu lâu ngẫu hứng đi giăng bẫy bắt kỳ nhông, và làm theo sự nghịch phá hơn là bắt lấy thịt. Tiếc rằng vào thời điểm hiện nay, trên đảo, loài  kỳ nhông gần như tuyệt chủng vì sự giăng bắt rất kỹ của những kẻ chuyên săn thịt loài này đem bán cho các nhà hàng đặc sản.

Vùng cực đông của đảo, nơi tiếp giáp với biển sâu, một dãy núi hình dáng kỳ bí, trông chẳng khác chi hình thù một khủng long nằm dài, Ông cha ta đặt cho nó cái tên là núi Nhọn. Mang tên núi Nhọn vì phần đầu và phần cuối của dãy núi này là hai mỏm nhọn, một cái ngẩn mặt lên trời và một cái hướng ra phương bắc. Từ đất liền, núi chạy dài ra đến biển Đông, tạo thành một bức tường vững chắc ngăn chận những cơn sóng dữ, nước tràn vào những mùa giông bão. Do nạn xâm thực của nước biển và chống chọi với triều cường hàng năm trong những mùa động gió, vùng vách núi giáp biển này trở thành nơi hiểm trở với những vách núi dựng đứng, phẳng lì có nhiều hang động âm u và hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ chồng chất lên lẫn nhau.

Một trong những hang động thường được nhắc đến là hang Dơi. Hang không lớn, đường kính cửa hang chừng vài mét, càng vô trong càng hẹp dần và tối âm u. Ngày xưa, hang này là nơi ở của  hàng trăm con dơi. Vào thời trước năm 1954, ba làng Mỹ Giang, Ninh Yển, Ninh Tịnh đều làm nghề nông, côn trùng rất nhiều, nên dơi chọn vùng núi Nhọn làm tổ là điều không lạ. Trong những năm nội chiến, cả ba làng nói trên đều phải di tản, đến những vùng khác định cư, toàn khu vực này bỏ hoang, và đàn dơi cũng theo đó mà di dời, "tha phương cầu thực". Sau này khi làng chúng ta hồi cư, vài người tìm đến hang Dơi, nhưng nay trống vắng, thê lương, rất buồn.

Còn tiếp:
Hòn Ngọc Mỹ Giang (P1)
Bãi Trước Hòn Ngọc Mỹ Giang (P2)
Mũi Mồng Gà (P3)

Theo Tam Đạo (Ninhhoatoday.net)
Du lịch, GO!

Đăng nhận xét