Đảo Trà Bản thuộc xã Bản Sen, huyện đảo Vân Đồn - tỉnh Quảng Ninh. Đảo cách thành phố Hạ Long 45km, cách đất liền 12km. Diện tích khi triều ròng nhất 81,20km² khi triều cao nhất 68km².
< Đảo Trà Bản với đỉnh Nàng Tiên cao nhất. Trạm radar 485 trên đảo Trà Bản là nơi có đài radar đối hải cao nhất miền Bắc, nằm ở độ cao 484m.
Điểm cao nhất trên đảo hơn 480m với độ cao trung bình 20m. Tháng nóng nhất (tháng 7) 28,6²°C, tháng lạnh nhất (tháng 1) 15,1²°C. Đảo có một số thung lũng khá lớn tạo nên các hồ chứa nước tự nhiên ở phía Tây của đảo nên quanh năm có nước ngọt, đủ dùng cho dân cư tại đây.
< Đường đê trên đảo Trà Bản.
Đây là đảo lớn nhất trong hàng trăm hòn đảo trong vịnh Bái Tử Long, cách đảo Quan Lạn và cảng Vân Đồn không xa và ở vị trí tiền tiêu và che chắn cho thương cảng Vân Đồn: cảng lớn nhất Đại Việt thời nhà Trần. Tàu buôn thời ấy của người phương Bắc hay Cao Ly muốn vào Vân Đồn bắt buộc phải đi ngang qua Trà Bản. Vì đảo có đất, có nước ngọt nên từ thời ấy đã có dân cư sinh sống.
< Trường PTCS Bản Sen được xây dựng khang trang giữa đảo Trà Bản.
Thực vật trên đồi núi đất có lim xanh, trâm, trám xen kẽ tre, nứa; vùng ngập mặn có sú, vẹt. Động vật trên cạn có cầy hương, khỉ vàng, sóc, sơn dương, hoẵng, lợn rừng, rái cá... nhưng bị săn bắt nhiều nên hầu như không còn. Trên đảo có điểm quặng sắt Diềm Xá (phát hiện 1966), đá vôi, tectit (đá quý).
Trước kia, nhờ có nước ngọt quanh năm nên dân đảo ngoài cấy lúa còn phá đất trồng cam, quít, chè...
< Rừng xanh, nước cũng trong xanh...
Bây giờ thì nông nghiệp bị thu hẹp, một phần dân kiếm sống bằng nghề đi biển, nhà có vốn lập bè nuôi trồng thủy sản, một phần làm dịch vụ buôn bán nhỏ và một phần nhận khoán rừng trồng cây lấy gỗ.
Hầu hết dân trong xã đều thừa nhận hơn chục năm trở lại đây, cuộc sống của họ có thay đổi theo chiều hướng khá hơn, giao thông không còn khó khăn với con đường đất hẹp và lầy trơn vào ngày mưa như trước, thay vào đó là đường bê tông rộng rãi.
Đảo có trường tiểu học và trung học cơ sở cao hai tầng được khánh thành khiến xã có dáng dấp của một thị tứ trong đất liền. Đoạn sông nhỏ chảy từ núi xuống theo hướng Nam - Bắc được kè đá một bên, khi nước thủy triều dâng, thuyền nhỏ ra vào tạo nên khung cảnh khá hữu tình.
Miếu thờ 3 đức ông công chánh họ Phạm dưới chân núi. Xưa miếu khá to, quanh năm hương khói vì ai đi biển đánh cá hay lên rừng săn bắn đều ghé miếu thắp hương mong Ông che chở.
< Vườn rau của lính biên phòng.
Sở dĩ miếu thờ cả ba anh em họ Phạm vì thời nhà Trần, ba ông đã phò Phó tướng Trần Khánh Dư tả xung hữu đột cùng quân Đại Việt đánh chìm 500 chiến thuyền chở lương thực của viên tướng Trương Văn Hổ tiếp tế cho quân Thoát Hoan trên dòng sông Mang ở đảo Quan Lạn. Giặc tan, mỗi ông đến một đảo khai canh nên dân lập miếu thờ. Xã Bản Sen xưa cũng có đình thờ thành hoàng là Trần Khánh Dư, theo những người cao tuổi hiện sống trên đảo thì đình to và rộng nhưng do quan niệm một thời không đúng về đình chùa nên đã bị phá bỏ. Tuy nhiên Trà Bản không có chùa.
Trạm ra đa nằm trên đỉnh núi cao nhất đảo với độ cao 485 mét so với mặt nước biển. Rất nhiều phóng viên trong đoàn từng đi công tác khắp các vùng miền Tổ quốc, từ núi cao đến hải đảo ở Trung bộ và Nam bộ đều thừa nhận: con đường lên trạm ra đa này là khó khăn và vất vả nhất bởi lẽ khí hậu ở đây quanh năm ẩm ướt, nên các phiến đá lúc nào cũng trơn, sơ sảy là trượt chân ngã ngay.
< Bảo quản radar trên đỉnh núi.
Lên trạm, mới thương anh em, thương không phải họ thiếu lương thực, thực phẩm mà thương vì các chiến sĩ quanh năm sống trong ẩm ướt. Chập tối chiếc chăn còn nhẹ nhưng đến sáng thì nó nặng hơn rất nhiều vì hơi nước đọng lại, kể cả ngày nắng chiếu cũng không bao giờ khô cong, quần áo lúc nào cũng ẩm vì thế sáng ra các anh phải hong ra ngoài trời. Nếu hút thuốc lá thì được nửa điếu là hơi nước làm ướt giấy. Sống trong ẩm ướt lâu cũng quen.
Thế nhưng với khí tài thì các anh luôn bảo quản cẩn thận và lúc nào cũng hoạt động tốt 24/24h để bảo đảm rằng tất cả những điều bất thường trên hải phận thiêng liêng của Tổ quốc đều không qua được mắt các anh.
Du lịch, GO! tổng hợp
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét